(VTC News) - Hai ngôi chùa ở
vùng quê yên bình ấy đã góp phần hóa giải biết bao vụ cãi vã nghiêm
trọng tưởng chừng như phải ra tòa án phân xử.
Người dân nơi đây truyền tai
nhau câu ca “Đức Ông chùa Ta, Đức Bà chùa Cồn” ý nói về sự linh thiêng
của hai ngôi chùa ở xã Đoàn Xá và xã Đại Hợp thuộc huyện Kiến Thụy, Hải
Phòng. Hai ngôi chùa ở vùng quê yên bình ấy đã góp phần hóa giải biết
bao vụ cãi vã nghiêm trọng tưởng chừng như phải ra tòa án phân xử.
Hai ngôi chùa “hòa giải”
Từ
bao đời nay, cái làng chài ấy yên bình lắm, người dân nơi đây sống chan
hòa, thân ái. Sở dĩ như vậy bởi đã từ lâu lắm, mỗi khi ai trong làng có
chuyện cãi nhau lớn nhỏ gì mà không thể giảng hòa được thì đều kéo nhau
lên chùa để thề chứng minh cho sự trong sạch, ngay thằng của mình. Thế
nhưng, mới bước đến cổng chùa thôi thì sự cãi cọ đã được hóa giải, cả
hai bên đều làm hòa và ai về nhà nấy.
Rất
nhiều những câu chuyện “hòa giải” giữ vẹn nguyên tình làng nghĩa xóm
đều xoay quanh hai ngôi chùa kỳ lạ ở xã Đoàn Xá và xã Đại Hợp (huyện
Kiến Thụy, Hải Phòng). Đi trên triền đê, rẽ xuống một ngõ xóm nhỏ thì
đến được chùa Càn Thiên mà người dân quen gọi nôm na là chùa Cồn. Ngôi
chùa tọa lạc ở trung tâm làng Quần Mục, xung quanh là rất nhiều nhà dân.
Qua
sự giới thiệu, tôi tìm gặp ông Phạm Văn Hy (64 tuổi), một người sống
ngay cạnh chùa. Hễ cứ rảnh rỗi, ông Hy lại qua chăm sóc quét dọn cho
ngôi chùa. Hơn nữa, ở đây từ nhỏ nên ông Hy năm rõ hơn ai hết những câu
chuyện của người dân mà ngôi chùa giúp “giảng hòa” mỗi khi họ có xích
mích.
Hơn
sáu chục năm sống ở đất này, chuyện làng trên xóm dưới những lúc “cơm
không lành, canh không ngọt” ông Hy đều tỏ tường. “Chuyện cãi vã nhau ở
đây cũng nhiều lắm, cãi nhau về đủ thứ chuyện. Ấy thế nhưng dù cãi to
đến mấy, khi không có cách nào giải quyết thì người ta lại lôi nhau lên
chùa này mà thề. Mà kỳ lạ, cứ ai đến cổng chùa cũng thôi không thề nữa
mà làm hòa rồi rủ nhau đi về. Tôi chưa thấy một trường hợp nào phải vào
đến trong chùa mà thề thốt cả”.
Ông
Phạm Văn Hy kể một loạt những vụ “oan án” điển hình xảy ra trong cuộc
sống của bà con lối xóm, người trong gia đình, người trong dòng họ ở đất
này cãi vã ra làm minh chứng. Từ những chuyện nguyên nhân là do mất con
gà, con chó hay đồ dùng sinh hoạt. Nhà nọ đổ vạ cho nhà kia nhưng không
có bằng chứng, người bị đổ vạ thì khăng khăng là mình không lấy, thế là
họ mua vàng hương rồi cùng nhau lên chùa dâng hương thề bồi để tỏ rõ sự
trong sạch. Thế nhưng, chẳng hiểu sao cứ hễ đặt chân đến cổng chùa thì y
như rằng mọi điều nóng giận, uất hờn cả hai bên đều tự nhiên tan biến
như chưa hề xảy ra. Kết quả là sau khi vào chùa dâng hương, cả hai gia
đình lại vui vẻ làm hòa, lại giao hảo như chưa có chuyện xích mích xảy
ra.
Câu chuyện xem ra là đình đám
nhất ở vùng đất này cách đây mấy năm là chuyện nhà cô Vũ Thị Đ. là cháu
dâu của bà Nguyễn Thị L.. Một lần cô Đ. sang nhà bà L. chơi, sau khi ra
về thì bà L. phát hiện mất mấy chỉ vàng. Mọi nghi ngờ bà L. đổ hết lên
đầu cô Đ. khiến gia đình lục đục.
Không
có cách nào giải quyết mà cuộc cãi vã càng lúc càng to, không ai chịu
ai, dù khuyên giải thế nào cũng được. Thấy vậy, ông Hy bèn khuyên cả hai
lên chùa để thề chứng minh mình hoàn toàn trong sáng. Vừa mới lúc
trước, cô Đ. và bà L. khi ở nhà còn kéo tay, túm áo, mặt đỏ tía tai
giằng co nhau vậy mà chỉ vào tới cửa chùa thì lạ thay chả ai dám vào
chùa để mà thề mà lại dắt nhau về. Kỳ lạ hơn, sau một thời gian sau họ
lại “bình thường hóa quan hệ”, sống cuộc sống hòa thuận.
Ngôi
chùa Đồng Bình nằm trên một cánh đồng ở xã Đoàn Xá cũng có những câu
chuyện tương tự. Bà Niêu Thị Dùng (77 tuổi) là người thường xuyên sang
giúp việc cho nhà sư trụ trì cho biết: “Chùa xây trên cánh đồng tên là
Bình nên gọi là chùa Đồng Bình. Chùa Đồng Bình còn có tên là Kiến Phúc
Tự”. Những câu chuyện người làng có xích mích rồi đến chùa để thề bồi ở
nơi đây cũng không phải hiếm.
Bà
Dùng kể trước đây có người từng nói xấu, vu vạ cho người khác là ăn
cắp, người ấy nghe được mới có những lời lẽ phản bác dẫn đến xúc phạm
nhau. Sự việc gay gắt đến độ họ còn chặt đôi cây chuối để thể hiện sự
trong sạch của mình và để chứng minh cho sự trong sạch ấy họ đòi đưa
nhau ra chùa thề. Nhưng đến nơi chẳng ai dám vào mà thề cả, họ đứng phân
vân ở cổng một lúc nói dăm ba câu chuyện tầm phào với nhau rồi… nhà ai
nấy về!?
Những huyền tích kỳ lạ về “Đức Ông chùa Ta” và “Đức Bà chùa Cồn”
Trong
một lần gặp gỡ nhà sử học Ngô Đăng Lợi, người viết bài này đã tìm hiểu
về gốc tích câu ca “Đức ông chùa Ta, đức Bà chùa Cồn”, nhà sử học Ngô
Đăng Lợi cho biết: Câu ca trên xuất phát là của người dân xã Đoàn Xá.
“Đức Ông chùa Ta” ý nói là chùa Đồng Bình trước đây thờ Đông Hải Đại
Vương (Đoàn Thượng) có công dẹp giặc biển và mở mang đất này. Còn “Đức
Bà chùa Cồn” là chỉ ngôi chùa Càn Thiên bên xã Đại Hợp ngay cạnh, ngoài
thờ Phật ra chùa Cồn còn thờ Mẫu. Cả hai ngôi chùa đều rất thiêng và là
nơi sinh hoạt tâm linh của người dân nên họ mới lưu truyền câu ca như
vậy.
Quay trở lại về sự linh thiêng
của hai ngôi chùa, những giai thoại trước đây người ta kể về hai ngôi
chùa thì nhiều lắm, ví như những câu chuyện mà người dân lấy đồ của chùa
về làm của riêng thì thường bị “phạt” hay đêm đêm thần phật về báo mộng
đòi lại khiến người ta kinh hãi.
Nhà
sử học Ngô Đăng Lợi kể lại một số chuyện về hai ngôi chùa ẩn chứa nhiều
điều kỳ bí này. Theo ông Lợi, mỗi ngôi chùa có một sự phát triển lịch
sử khác nhau và những giá trị văn hóa lịch sử của nó rất rộng lớn. Có
một câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi chùa mà đến tận bây giờ dân
làng nơi đây vẫn mang ra để răn dạy con cháu.
Khoảng
những năm 70 của thế kỷ trước, trong chùa có hai pho tượng đồng mà khi
đúc xong người ta đem hun khói cho đen lại. Khi ấy, bọn trộm cắp đồ cổ
cứ nghĩ đây là hai pho tượng đồng đen quý giá nên nhòm ngó rình rập tìm
cách ăn trộm.
Đêm hôm đó, lợi dụng
trời mưa bão, chúng trèo tường vào chùa trộm được một pho tượng, pho
tượng còn lại do vội vàng, trong lúc vận chuyển bị gãy mất một tay. Vì
pho tượng Phật bị gãy mất một tay nên bọn trộm mới phát hiện đố không
phải đồng đen mà chỉ là đồng hun cho đen lại. Ngay sau đó, phát hiện có
kẻ trộm, người dân truy đuổi thì bọn trộm quẳng tượng xuống mương. Dân
làng đuổi bắt được người một tên còn một tên chạy thoát.
Kẻ
bị bắt bị giải về UBND xã để chính quyền xử lý nhưng không hiểu tại sao
đi qua cánh đồng thì bị sét đánh chết ngay mặc dù xung quanh tên trộm
lúc đó rất đông người dân cùng nhau áp giải tên trộm nhưng chẳng ai bị
sao cả. Không lâu sau, người làng nghe tin tên trộm trốn thoát kia cũng
chết đuối ở sông Văn Úc cách đó không xa.
Ở
chùa Cồn thì lại có một câu chuyện khác, chuyện liên quan đến tấm bia
của bà chúa được dựng trong chùa. Thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, tấm bia
ghi lịch sử hình thành và công đức của những người mở đất bị người dân
mang ra bắc làm cầu ao. Lâu dần tấm bia bị lấp đi, đất phủ kín toàn bộ.
Đến khi người dân ý thức được giá trị lịch sử, văn hóa của tấm bia thì
mới nháo nhác đổ xô đi tìm nhưng chẳng ai tìm thấy. Bỗng một hôm có một
người phụ nữ lạ mặt đi qua, trước đây người này chẳng biết gì về chuyện
tấm bia đá bị lấp cả thế nhưng bà này hôm đấy như có ai xui khiến mà chỉ
cho dân làng đào đúng chỗ có tấm bia.
Giờ
đây ở Đoàn Xá, Quần Hợp người ta vẫn truyền tai nhau nghe những câu
chuyện linh thiêng về hai ngôi chùa như vậy. Có lẽ vì thế mà bất cứ ai
có những bất hòa không thể giải quyết được thì họ lại đưa nhau lên chùa,
dựa vào sự linh thiêng ấy mà giải quyết khúc mắc. Phải chăng, chính
những điều kỳ lạ đó đã mang đến một cuộc sống bình yên cho làng xóm nơi
đây?.